Tọa đàm Khoa học “Quy hoạch không gian biển gắn với phát triển năng lượng tái tạo”

Sáng ngày 02/8/2019 tại Phòng Hội thảo của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, tại 67 Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Khoa học “Quy hoạch không gian biển gắn với phát triển năng lượng tái tạo” .

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Sáng ngày 02/8/2019 tại Phòng Hội thảo của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, tại 67 Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Khoa học “Quy hoạch không gian biển gắn với phát triển năng lượng tái tạo” với sự chủ trì của Viện trưởng TS Nguyễn Lê Tuấn và Phó Viện trưởng TS Phùng Đăng Hiếu, với thành phần đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học từ các đơn vị nghiên cứu và các trường Đại học: Viện Địa chất Khoáng sản, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. 

Nôi dung chương trình gồm 4 báo cáo: (1) Đánh giá chính sách và tiềm năng năng lượng gió biển Việt Nam do TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo báo cáo; (2) Quy hoạch không gian biển gắn với phát triển năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm Châu Âu và Ai Len do TS Đinh Văn Nguyên, Trung tâm Quốc gia về Biển và năng lượng tái tạo (MaREI Centre), Đại học Cork, Ai Len và Thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global); (3) Hiện trạng đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Việt Nam do Ths Mai Kiên Định, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo báo cáo; và (4) Đề xuất định hướng quy hoạch không gian biển ven bờ phát triển năng lượng gió biển do TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo báo cáo.

Báo cáo của TS Dư Văn Toán đã cập nhật và cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách mới về phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và năng lượng tái tạo biển nói riêng. Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Cụ thể: Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các thông tin chung về đánh giá sơ bộ tiềm năng năng lượng gió biển Việt Nam cho thấy vùng biển Việt Nam có tốc độ gió trung bình nhiều năm chủ yếu từ 7 đến 11 m/s trên tầng 100 m và có nhiều điều kiện phát triên các Trại điện gió trên biển (offshore windfarm). Báo cáo cũng giới thiệu sơ bộ về các dự án điện gió biển hiện nay đã và đang được nghiên cứu khả thi với hàng chục ngàn km2 trên biển và công suất lắp đặt hàng chục GW. Hiện nay xu hướng phát triển mạnh mẽ các trại điện gió biển trên thế giới do giá thành đầu tư giảm mạnh và công nghệ đang tiến bộ rất nhanh. Xu hướng phát triển bền vững kinh tế biển, phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển quan trọng.

TS Đinh Văn Nguyên đã giới thiệu kinh nghiệm về quy hoạch không gian biển (Marine Spatial Planning- MSP) ở EU (Anh, Đức, Ai Len). Đặc biệt TS Nguyên đã trình bày về khung quy hoạch và lộ trình xây dựng quy hoạch không gian biển ở Ai Len gắn với năng lượng tái tạo cũng như các ngành kinh tế biển khác; trao đổi về lợi ích đa chiều của năng lượng tái tạo biển nói chung và năng lượng gió ngoài khơi nói riêng; tiềm năng và cơ hội quy hoạch không gian biển đa ngành cùng với năng lượng tái tạo (du lịch, nuôi hải sản công nghiệp, dầu khí,...) và sự tham gia của các bên có liên quan (hàng hải, dầu khí, quốc phòng, ngư dân..). Trên thực tế không gian biển có rất nhiều hoạt động đồng thời, ngày càng gia tăng và có nhiều nguy cơ xung khắc, quá trình quy hoạch cần đảm bảo tương hỗ tốt trên nhiều mặt bao gồm số liệu, nhân lực, thiết bị và cơ sở hạ tầng, TS Nguyên cũng đã đưa ra các đề xuất để Việt Nam có thể xây dựng một quy hoạch không gian biển tốt và đảm bảo phát triển bền vững.
Ths Mai Kiên Định đã trình bày tham luận về hiện trạng các khu bảo tồn biển, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển Việt Nam và các giá trị dịch vụ hệ sinh thái quan trọng.

Tiến sĩ Dư Văn Toán trình bày các vấn đề chính sách và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

TS. Đinh Văn Nguyên, iới thiệu kinh nghiệm về quy hoạch không gian biển (Marine Spatial Planning- MSP) ở EU (Anh, Đức, Ai Len)

TS Dư Văn Toán giới thiệu về các nguyên tắc, phương pháp đánh giá tiềm năng tài nguyên gió biển, các đối tượng sử dụng không gian trong quy hoạch không gian biển ven bờ cấp tỉnh gắn với phát triển điện gió.

Tọa đàm cũng đã có nhiều thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về xu thế mới về công nghệ tuabin gió, quy hoạch không gian biển đa ngành, các lợi ích về công ăn việc làm mới với ngư dân ven biển, công nghiệp cơ khí và hàng hải phụ trợ, giá trị gia tăng của trại điện gió biển trong giám sát bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, các khái niệm mới điện gió gần bờ, điện gió xa bờ, tich hợp quy hoạch không gian biển và các xung đột mâu thuẫn không gian biển.
Kết thúc Tọa đàm cũng đã mở ra nhiều phương hướng hợp tác quan trọng về các phương hướng nghiên cứu về Năng lượng tái tạo biển, quy hoạch không gian biển, chính sách biển, đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế và hướng tới các tọa đàm, hội thảo khoa học chuyên đề trong thời gian tới.

Lãnh đạo Viện Nghiên cứu biển và hải đảo chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên tham gia buổi tọa đàm

  • 10/9/2019 2:45:38 AM